Thứ tư, 02/11/2022, 16:30
Chuối xiêm rớt giá, nông dân rục rịch chuyển đổi mô hình
Kiên Giang - Chuối xiêm rớt giá, hiện chỉ còn 2.000 đồng/nải, khiến nhiều nông dân vùng đệm U Minh Thượng gặp khó. Không thể ngồi chờ giá chuối hồi phục, người trồng chuối rục rịch chuyển đổi mô hình sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Đen - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng cho biết từ đầu năm 2022, chuối xiêm rớt giá.
“Trước đây, giá chuối xiêm 5.000-8.000 đồng/nải. Thời điểm giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, giá chuối cũng khoảng 4.000-5.000 đồng/nải. Vậy mà mấy tháng nay chỉ còn 2.000 đồng/nải, giá thấp nhất từ trước đến nay. Bình quân 1ha chuối mỗi năm chi phí bón phân, công chăm sóc mười mấy triệu đồng. Tính ra. người trồng chuối xiêm sau khi trừ chi phí, công chăm sóc, thu nhập còn lại rất thấp”, anh Đen nói.
Có 2ha đất, anh Đen trồng chuối xiêm 1ha và 1ha nuôi cá, ốc bươu. Anh cho biết 1ha chuối xiêm hiện bán nải chuối thu về khoảng 2 triệu đồng/tháng. Cùng đó, mỗi 1ha thu hoạch khoảng 400kg bắp chuối, hiện giá 8.000 đồng/kg, thu được 3,2 triệu đồng.
Nông dân xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) thu hoạch chuối xiêm bán cho thương lái.
Huyện U Minh Thượng có khoảng 2.600ha trồng chuối xiêm, tập trung ở vùng đệm thuộc xã An Minh Bắc và Minh Thuận. Năm 2022, giá chuối xiêm giảm, để tiết kiệm chi phí, nông dân hạn chế bón phân, cho cây chuối phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, việc nông dân ít bón phân và ít chăm sóc khiến năng suất cho bắp và quầy giảm.
Một số nông dân ở ấp Kênh Năm, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng cho biết, thời gian trước khi chuối xiêm rớt giá, nông dân vẫn duy trì vì trồng chuối ít chi phí chăm sóc. Bên cạnh đó, giá các nông sản khác như gừng củ, trái cây không ổn định nên nông dân không muốn chuyển đổi cây trồng.
Tuy nhiên, năm nay chuối xiêm rớt giá trong thời gian dài nên một số hộ phá những bờ chuối xiêm lâu năm cho năng suất thấp sang trồng hoa màu như bắp, cà chua, khổ qua, gừng…
Anh Lý Văn Được, ngụ ấp Kênh Năm, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng là một trong những nông dân chuyển 1ha trồng chuối xiêm sang trồng gừng, với hy vọng thu nhập sẽ được cải thiện.
Cũng ở ấp Kênh Năm, anh Nguyễn Văn Hận đã chuyển 1ha trồng chuối sang trồng rau màu. Ông Huỳnh Vũ Tường có 2ha trồng chuối xiêm, nay ông cho thuê 1ha đất để trồng gừng; còn 1ha chuối, ông giữ lại để có thu nhập.
Thời gian qua, trước tình hình giá chuối xiêm, giá nông sản không ổn định, nhiều nông dân kết hợp nuôi cá nước ngọt, ốc bươu đen trong mương cặp bờ chuối xiêm để tăng thu nhập.
Ngoài ra, huyện U Minh Thượng bước đầu phát triển du lịch nông thôn với loại hình tham quan trải nghiệm vườn cây ăn trái, rẫy chuối, mương trồng bông súng… ở ấp Kênh Năm.
Anh Đen cho biết: “Thời gian gần đây, ở địa bàn ấp đón được vài đoàn du khách về tham quan, nhưng việc làm du lịch với nông dân vẫn còn mới mẻ, chúng tôi chưa có chỗ phục vụ nấu ăn cho du khách. Để phát triển được du lịch, chúng tôi cần được ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện”.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng Phạm Duy Tân cho biết chuối xiêm ở U Minh Thượng trước đây được thương lái thu mua chủ yếu xuất qua Campuchia, nhưng hiện ở Campuchia trồng chuối xiêm với số lượng lớn, nên thương lái không còn xuất chuối xiêm được nhiều.
“Nông dân nên trồng đa dạng các loại hoa màu, tránh tập trung một loại dễ bị dội hàng. Riêng về chuyển sang trồng gừng, nông dân nên cân nhắc vì hiện nay diện tích gừng trên địa huyện khá lớn, đến 1.000ha mà chi phí trồng gừng cao, giá gừng thấp, chỉ khoảng 5.000 đồng/kg”, đồng chí Phạm Duy Tân khuyến cáo.
Ngành nông nghiệp huyện U Minh Thượng đang phối hợp với các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang hỗ trợ hai hợp tác xã trên địa bàn huyện thực hiện mô hình đan thủ công mỹ nghệ từ sợi tơ chuối. Nếu mô hình này đi vào hoạt động tốt sẽ tạo thêm thu nhập cho nông dân trồng chuối xiêm cũng như tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn.
(Nguồn: baokiengiang.vn)