Đang tải ...
  
chưa có chuyên mục 1

Thứ sáu, 14/01/2022, 18:30

Chiến lược 'Zero Covid-19' của Trung Quốc: Người ăn nên làm ra, kẻ chi tiêu dè xẻn

Chiến lược “Zero Covid-19” của Trung Quốc đang khiến chi phí chống dịch tăng lên. Một số ngành vẫn tăng trưởng ấn tượng trong khi ở lĩnh vực khác, người lao động đang phải rút tiền tiết kiệm và chi tiêu dè xẻn.

Người dân xếp hàng để được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Thiên Tân, Trung Quốc, tháng 1/2022. (Nguồn: Getty Images)

Trong một bài báo của tác giả Evelyn Cheng trên CNBC ngày 12/1, các nhà kinh tế nhận định, chính sách “Zero Covid-19” của Trung Quốc nhằm kiểm soát đại dịch ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhiều hơn là các nhà máy.

Khi chính quyền địa phương áp đặt nhiều hạn chế đi lại hơn và một số nơi phong tỏa để ngăn chặn biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, các chuyên gia đang chuyển sang nhận định thận trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Ngày 11/1, Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hiện các nhà phân tích tập trung vào tác động của chính sách trên đến chi tiêu tiêu dùng, vốn đã khá chậm chạp của Trung Quốc.

Tác động không giống nhau

Ngày 10/1, trong một báo cáo, Trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc của ngân hàng Nomura Ting Lu nhận định: “Khả năng lây lan mạnh của biến thể Omicron có nghĩa là chi phí để thực hiện chính sách Zero Covid-19 đang tăng lên, trong khi lợi ích lại giảm đi”.

Chuyên gia này lưu ý, trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, hoạt động kinh doanh vẫn chưa phục hồi như trước đại dịch, người lao động có thể đang rút tiền tiết kiệm, chi tiêu dè xẻn hơn.

Về mặt tích cực, chiến lược “Zero Covid-19”, cộng với khả năng huy động mọi nguồn lực của Bắc Kinh, được cho là đã mang lại lợi ích đáng kể cho người dân và nền kinh tế đất nước, với số người thiệt mạng theo báo cáo chính thức chỉ là 4 người kể từ giữa tháng 4/2020.

Các nhà máy trở lại hoạt động hết công suất, tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng 31,0% trong 11 tháng đầu năm 2020.

Kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, với chính sách không khoan nhượng với Covid-19, Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp kiểm dịch và hạn chế đi lại - cho dù trong nội địa hay với các quốc gia khác - để ngăn chặn dịch lây lan. Sau khi kinh tế suy thoái trong quý đầu tiên, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng trong năm 2020.

Theo phân tích của Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng China, tác động lớn nhất của chính sách “Zero Covid-19” là đối với ngành khách sạn, nhà hàng.

Nghiên cứu cũng cho thấy, ngành sản xuất và nông nghiệp bị ảnh hưởng ít nhất và đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, bà Wang nói: “Bằng các chính sách mạnh tay nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, Trung Quốc đã có thể đảm bảo rằng tất cả các mắt xích trong chuỗi cung ứng đều hoạt động để sản lượng nông nghiệp và công nghiệp cao hơn”.

Theo đó, sản xuất công nghiệp tăng 2,8% vào năm 2020 và tăng 10,1% trong 11 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo Nhà quản trị mua hàng (PMI) cho biết, hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc bất ngờ tăng vào tháng 12/2021.

Tại sao các nhà máy ít bị ảnh hưởng?

Mặc dù nền kinh tế lớn nhất châu Á phải đối mặt với một số thách thức từ giá hàng hóa tăng cao cho đến cuộc khủng hoảng nợ trong ngành bất động sản, nhưng dữ liệu kinh tế cho thấy khả năng sản xuất phục hồi mạnh mẽ của các nhà máy.

Bà Yue Su, nhà kinh tế chính của The Economist Intelligence Unit, cho biết, tại Trung Quốc, các nhà sản xuất ít bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trong thành phố vì các nhà máy thường nằm rải rác ở các khu công nghiệp ngoại ô, nơi nhân viên sống trong cư xá.

Bà Su lưu ý việc nhà cung cấp Foxconn của Apple đã có thể duy trì sản xuất như thế nào tại nhà máy của họ ở Trịnh Châu, Hà Nam, vào mùa Hè vừa qua bất chấp trận lũ lụt lịch sử khiến hơn 300 người ở tỉnh này thiệt mạng.

Vị chuyên gia cho rằng, các phương pháp tiếp cận khác nhau của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách “Zero Covid-19” sẽ dẫn đến hiệu quả kinh tế khác nhau giữa các tỉnh trong năm nay.

Nhà kinh tế chính của The Economist Intelligence Unit nói: “Ví dụ như ở Thượng Hải, khi có một trường hợp mắc bệnh, họ sẽ chỉ phong tỏa một quận hoặc đường phố có liên quan. Nhưng đối với các địa phương có nguồn lực chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, họ có xu hướng phong tỏa toàn bộ thành phố ngay lập tức, giống như những gì đang diễn ra ở Tây An, Thiểm Tây".

Tây An, thành phố ở miền Trung Trung Quốc, là một trong nhiều trung tâm công nghiệp của đất nước. Việc đóng cửa thành phố 13 triệu dân này từ cuối tháng 12/2021 đã góp phần khiến nhà kinh tế trưởng Li-Gang Liu của Citi Bank cho rằng sản xuất công nghiệp có thể giảm xuống mức 3,5% vào tháng 12/2021, từ mức 3,8% trong tháng 11/2021.

Nhưng nhà phân tích Liu nhận định, tăng trưởng thương mại của quốc gia châu Á “vẫn mạnh mẽ” ở mức cao trong hai năm qua.

Hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đến từ các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô và Chiết Giang, trên bờ biển phía Nam hoặc Đông Nam gần Thượng Hải. Các khu vực kém phát triển hơn nằm ở miền Trung và miền Tây của đất nước 1,4 tỷ dân.

Thống kê cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của nước này vẫn phục hồi trong suốt năm 2021, bất chấp nhiều cảnh báo về nhu cầu từ nước ngoài đang chậm lại.

Tuy nhiên, điều cần chú ý là lần này, các nhà máy ở các quốc gia khác có thể tiếp tục hoạt động nếu chính phủ của họ quyết định theo đuổi chiến lược chung sống với Covid-19.

Gary Ng, nhà kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis nhận định: “Chính sách ‘zero Covid-19’ của Trung Quốc một mặt có thể đảm bảo hoạt động bán lẻ, hoạt động công nghiệp có thể tiếp tục, nhưng nếu thế giới thành công theo cách 'sống chung với Covid-19', Bắc Kinh có thể gặp rủi ro về sự khác biệt tăng trưởng giữa hai loại hình này".

Nhân viên làm việc trong nhà máy sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử của Foxconn tại Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Những tranh cãi

Các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc sẽ thực hiện chính sách “Zero Covid-19” cho đến cuối năm nay do các sự kiện chính trị quan trọng, từ Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vào tháng 2 tới đến Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 dự kiến ​​được tổ chức vào mùa Thu.

Ngoài ra, giới chuyên gia còn cho rằng, chính sách phòng dịch nghiêm ngặt đã trở nên nhạy cảm về mặt chính trị theo những cách khác nhau.

Ngày 3/1, công ty tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại Mỹ nhận định rằng, rủi ro hàng đầu cho năm 2022 là việc Trung Quốc không thành công với chính sách “Zero Covid-19” và tiếp tục phong tỏa nghiêm ngặt hơn, điều này sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhanh chóng chỉ trích bản báo cáo trên của Eurasia Group.

Các nhà nghiên cứu cũng lo ngại về số lượng người mắc Covid-19 ở nước này có thể phải nhập viện tăng lên trong điều kiện cơ sở hạ tầng y tế chưa đáp ứng được.

Tháng 11/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu cho biết việc chuyển sang chiến lược chung sống với Covid-19 của các quốc gia khác có thể dẫn đến hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày và tàn phá hệ thống y tế quốc gia.

Biến thể Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11/2021 là một phiên bản đột biến của virus SARS-CoV-2 và có khả năng lây lan cao.

Các báo cáo ban đầu cho thấy Omicron có thể ít gây tử vong hơn các chủng virus khác. Nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hôm 11/1 rằng Omicron có thể gây đe dọa tính mạng những người chưa được tiêm chủng, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền.

Ngày 12/1, Trung Quốc ghi nhận 124 ca mắc mới Covid-19 trong tổng số 3.460 trường hợp đang được điều trị, và không có ca tử vong mới. Các trường hợp mắc mới ở thành phố Tây An đã giảm xuống còn 6 ca, so với 63 ca một tuần trước đó.

(Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam)
 

Chia sẻ
Tags:

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829