Đang tải ...
  
Kinh doanh Bất động sản

Thứ sáu, 07/01/2022, 07:30

Cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội có dễ dàng?

Mới đây, nhiều địa phương trên cả nước đã công bố kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội trong năm tới, dự kiến nguồn cung sẽ được cải thiện.

Địa phương lên kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội

Tại phía Nam, mới đây cả 3 địa phương là TP.HCM, Bình Dương, Long An đều tuyên bố xây dựng đề án 01 triệu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

Nhiều địa phương đang lên kế hoạch thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội trong năm 2022

Với quy mô nhỏ hơn, nhiều địa phương như Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang cũng lần lượt phê duyệt các dự án nhà ở xã hội với quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như tại Hậu Giang là dự án Khu nhà ở xã hội (đường 3 tháng 2, khu vực 6, phường Ngã Bảy) quy mô 8,942ha, tổng vốn đầu tư hơn 692 tỷ đồng.

Tại miền Trung, mới đây TP. Đà Nẵng cũng đã kêu gọi đầu tư 04 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích 117.025m2. Cụ thể, dự án nhà ở xã hội tại khu đất B4-1, B4-2 Khu tái định cư Hòa Hiệp 4, quận Liên Chiểu; Khu đất nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ, giai đoạn 2; 02 dự án tại huyện Hoà Vang là khu đất chung cư số 3 và số 5 thuộc khu B - khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.

Trong khi đó ở phía Bắc, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố kế hoạch phát triển 8.419.000m2 sàn nhà ở, trong đó, có 241.000m2 sàn nhà ở xã hội trong năm 2022.

Hay tại Bắc Giang, tỉnh này cũng công bố danh mục dự án có sử dụng đất cần tìm nhà đầu tư đối với dự án Khu nhà ở xã hội tại thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, trong đó: diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26m2 sàn/người.

Để thực hiện được mục tiêu trên, việc phát triển nhà ở xã hội là vô cùng cấp bách. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh các thủ tục pháp lý cho một dự án bất động sản còn khá phức tạp cũng như mặt bằng giá đất đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp khi đã được giao dự án sẽ có khuynh hướng phát triển các phân khúc trung cao cấp, đem lại biên lợi nhuận hấp dẫn hơn là các dự án nhà ở thương mại có mức giá bình dân.

Trong khi đó, sự việc hi hữu mới đây tại Bắc Ninh khi chủ đầu tư nhà ở xã hội làm đơn xin ngừng bán các căn nhà ở xã hội và xin điều chỉnh giá bán, giá cho thuê, trong đó có các dự án đã bàn giao vì không có lãi đã cho thấy các khó khăn, rào cản trong thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương.

Cần cơ chế đặc thù

Theo các chuyên gia, quỹ đất, nguồn vốn và chính sách đầu tư là những nút thắt cần tháo gỡ. Đặc biệt trong bối cảnh giá nhà không ngừng tăng cao, chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội cần được ưu tiên mới có thể thu hút đầu tư.

Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội - Ảnh: Dự án Nhà ở xã hội Cát Tường

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), phát triển nhà ở xã hội là hướng đến sản phẩm bình dân, nhưng đất ở nội đô hoặc vùng gần trung tâm thành phố thường là “đất vàng”, “đất kim cương”, rất khan hiếm, giá cao nên không dễ làm nhà ở xã hội .

Chủ tịch VARs cho biết, để giải được bài toán nhà ở giá thấp, nhà ở bình dân và nhà ở xã hội đang đặt ra hết sức bức thiết hiện nay cần có giải pháp đồng bộ về chính sách để tạo quỹ đất với giá phù hợp, bình ổn giá vật liệu xây dựng cũng như tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, cơ chế để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai dự án.

Cụ thể, đối với việc quy hoạch triển khai các dự án nhà ở xã hội, theo Chủ tịch VARs Nguyễn Văn Đính cần ưu tiên dành quỹ đất ở vùng ven đô thị vốn có giá đất không quá cao để quy hoạch thành đô thị lớn 5 - 10 ha có đủ hạ tầng cơ bản, đồng thời bố trí quỹ đất phát triển nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp.

Ông Đính cũng cho rằng, trong tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng như hiện nay, Chính phủ cần có chính sách để điều tiết lại bài toán chi phí đối với ngành vật liệu xây dựng.

“Cần điều chỉnh lại thị trường vật liệu xây dựng trong nước theo hướng để chủ động được giá thành vật liệu xây dựng từ việc sản xuất đến cung ứng, từ đó giảm chi phí cấu thành giá bán nhà ở xã hội”, TS. Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

Giải bài toán nguồn lực, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho rằng có thể tạo nguồn vốn bằng cách thay vì áp đặt quy định tại 49/2021/NĐ-CP có thể quy định theo hướng doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở thương mại có thể xây dựng nhà ở xã hội tại dự án nếu muốn, hoặc được đề xuất hoán đổi quỹ đất xây nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác, hoặc có thể lựa chọn việc thanh toán bằng tiền cho nhà nước theo giá thị trường.

"Nếu cho doanh nghiệp lựa chọn nộp tiền thay vì triển khai, cũng cần tách bạch khoản tiền doanh nghiệp hoán đổi 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội vào một tài khoản riêng, hoặc được hoạch toán riêng để dùng vào việc xây dựng nhà ở xã hội chứ không nên hòa chung vào vốn ngân sách như hiện nay" - Ông Hiệp đề xuất.

(Nguồn: diendandoanhnghiep.vn)

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829